Theo thần thoại Hy Lạp, kể từ khi Prometheus đánh cắp ngọn lửa tri thức dưới chân núi Olympus và ban tặng nó cho loài người, con người đã không ngừng mày mò và tạo ra những đổi mới vượt bật trong suốt quá trình tiến hóa của họ.
Đó là một điển tích được thần thoại hóa trong lịch sử mà thôi. Trong thực tế, nhân loại đã không ngừng hoàn thiện ngành công nghiệp của mình, bằng cách không chỉ dựa vào sự phát triển kỹ thuật mà còn bằng cách tối ưu nó khi các phương tiện kỹ thuật mới được tìm ra. Do đó, ngành công nghiệp đã được hưởng lợi từ những tiến bộ này và nó có tác động quá lớn đến nỗi chúng ta đã đặt tên cho chúng là các “cuộc cách mạng” để nói lên sự thay đổi vượt bậc này. Itudong muốn cung cấp cho các bạn một cái nhìn tổng quan và ngắn gọn về thời gian trong ba cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên này để nhận ra các đường nét chính của một cuộc cách mạng thứ tư đang hình thành ngay trước mắt chúng ta.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 – 1765
Sau một thời kỳ công nghiệp hóa nguyên sinh chậm chạp, cuộc cách mạng đầu tiên này kéo dài từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19. Nó chứng kiến sự xuất hiện của cơ giới hóa, một quá trình thay thế nông nghiệp bằng công nghiệp là nền tảng của cấu trúc kinh tế của xã hội. Cuộc cách mạng công nghiệp này được đánh dấu bởi dấu mốc quan trọng là việc James Watt phát minh ra động cơ hơi nước năm 1784. Phát minh vĩ đại này đã châm ngòi cho sự bùng nổ của công nghiệp thế kỷ 19 lan rộng từ Anh đến châu Âu và Hoa Kỳ.
Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại – kỷ nguyên sản xuất cơ khí, cơ giới hóa. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đã thay thế hệ thống kỹ thuật cũ có tính truyền thống của thời đại nông nghiệp (kéo dài 17 thế kỷ), chủ yếu dựa vào gỗ, sức mạnh cơ bắp (lao động thủ công), sức nước, sức gió và sức kéo động vật bằng một hệ thống kỹ thuật mới với nguồn động lực là máy hơi nước và nguồn nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng mới là sắt và than đá. Các phát minh này dần dần tạo ra các bản thiết kế cho các nhà máy và thành phố đầu tiên như chúng ta biết ngày nay.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 – 1870
Sau đó gần một thế kỷ, vào cuối thế kỷ 19, những tiến bộ công nghệ mới đã khởi xướng sự xuất hiện của một nguồn năng lượng mới: điện, khí đốt và dầu mỏ và (đặc biệt) là sản xuất và tiêu dùng hàng loạt. Kết quả là, sự phát triển của động cơ đốt được đặt ra để sử dụng những tài nguyên mới này cho toàn bộ tiềm năng của chúng. Hơn nữa, ngành thép bắt đầu phát triển và phát triển cùng với nhu cầu về cấp số nhân đối với thép. Tổng hợp hóa học cũng phát triển để mang lại cho chúng ta vải tổng hợp, thuốc nhuộm và phân bón. Các phương thức liên lạc cũng được cách mạng hóa với việc phát minh ra điện báo và điện thoại và các phương thức vận chuyển cũng như sự xuất hiện của ô tô và máy bay vào đầu thế kỷ 20.
Yếu tố quyết định của cuộc cách mạng này là chuyển sang sản xuất trên cơ sở điện – cơ khí và sang giai đoạn tự động hóa cục bộ trong sản xuất, tạo ra các ngành mới trên cơ sở khoa học thuần túy, biến khoa học thành một ngành lao động đặc biệt. Cuộc cách này đã mở ra kỷ nguyên sản xuất hàng loạt, được thúc đẩy bởi sự ra đời của điện và dây chuyền lắp ráp. Công nghiệp hóa thậm chí còn lan rộng hơn tới Nhật Bản sau thời Minh Trị Duy Tân, và thâm nhập sâu vào nước Nga, nước đã phát triển bùng nổ vào đầu Thế Chiến I.
Tất cả những phát minh này đã được thực hiện bằng cách tập trung nghiên cứu và vốn được cấu trúc xung quanh một mô hình kinh tế và công nghiệp dựa trên các nhà máy lớn mới của Cameron và các mô hình tổ chức sản xuất như Taylor và Ford đã hình dung.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần 3 – 1969
Gần một thế kỷ sau, vào nửa sau của thế kỷ 20, một cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba đã xuất hiện với sự xuất hiện của một loại năng lượng mới có tiềm năng vượt qua các bậc tiền bối: năng lượng hạt nhân. Cuộc cách mạng này chứng kiến sự trỗi dậy của điện tử bán dẫn, bộ vi xử lý, viễn thông và máy tính. Công nghệ mới này đã dẫn đến việc sản xuất vật liệu thu nhỏ sẽ mở ra cánh cửa, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu không gian và công nghệ sinh học. Đối với ngành công nghiệp, cuộc cách mạng này đã tạo ra kỷ nguyên tự động hóa cấp cao trong sản xuất nhờ hai phát minh chính: Tự động hóa với bộ điều khiển logic lập trình (PLC) và robot.
Với sự xuất hiện của PLC và robot, việc sản xuất công nghiệp được tự động hóa hoàn toàn. Lao động chân tay được thay thế bởi máy móc với sự chính xác và hiệu suất cao. Thời gian thực hiện công việc cũng được rút gọn rất nhiều.
Tóm lại, cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất, lần thứ hai sử dụng năng lượng điện để tạo ra sản xuất hàng loạt và thứ ba sử dụng công nghệ thông tin và điện tử để tự động hóa sản xuất. Ngày nay, một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được tiến hành dựa trên cuộc cách mạng thứ ba và cuộc cách mạng kỹ thuật số đã diễn ra từ giữa thế kỷ trước. Cuộc cách mạng thứ tư với sự mở rộng theo cấp số nhân này được đặc trưng bởi công nghệ tích hợp làm mờ đi ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học đối với các ngành công nghiệp hoàn toàn trên toàn thế giới. Phạm vi và độ sâu của những thay đổi này là dấu hiệu của sự biến đổi đối với toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – CÔNG NGHIỆP 4.0 (Số hóa)
Đây là nơi chúng ta đang đứng… Cuộc cách mạng công nghiệp lầ thứ 4 đang diễn ra trước mắt chúng ta. Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư) xuất phát từ khái niệm “Industrie 4.0” trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013. Đây là cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên bắt nguồn từ một hiện tượng công nghệ mới, kỹ thuật số hóa, thay vì sự xuất hiện của một loại năng lượng mới. Việc số hóa này cho phép chúng ta xây dựng một thế giới ảo mới từ đó chúng ta có thể điều khiển thế giới vật lý. Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Hơn nữa, nó đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia.
Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.
Ngày qua ngày, tất cả những cải tiến này đang dần tối ưu hóa các công cụ sản xuất và tiết lộ những khả năng vô tận cho tương lai của ngành công nghiệp 4.0, sự giao thoa cho một hệ thống toàn cầu kết nối với nhau. Bên cạnh những cơ hội mới, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức phải đối mặt.
Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm tới thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi. Sau đó, những bất ổn về kinh tế nảy sinh từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ dẫn đến những bất ổn về đời sống. Hệ lụy của nó sẽ là những bất ổn về chính trị. Nếu chính phủ các nước không hiểu rõ và chuẩn bị đầy đủ cho làn sóng công nghiệp 4.0, nguy cơ xảy ra bất ổn trên toàn cầu là hoàn toàn có thể. Bên cạnh đó, những thay đổi về cách thức giao tiếp trên Internet cũng đặt con người vào nhiều nguy hiểm về tài chính, sức khoẻ. Thông tin cá nhân nếu không được bảo vệ một cách an toàn sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Cách mạng công nghiệp lần 4 mang đến cơ hội, và cũng đầy thách thức với nhân loại.
(iTudong.com – Kiến thức Tự động hóa)