Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách kết nối chương trình Fatory IO với TIA Portal để mô phỏng. Các bạn có thể dùng PLC thật để kiểm tra logic hoặc dùng PLC mô phỏng để tạo hoạt ảnh theo bố cục thực tế của mình và kiểm tra tính logic.
Hiện tại mình không có PLC thật ở đây, do đó trong bài này mình sẽ dùng PLC Sim trong TIA Portal để thực hiện phần logic.
Factory IO và Siemens Tia Portal
Mình sẽ hướng dẫ các bạn cách thực hiện kết nối 2 ứng dụng này bằng một ví dụ đơn giản. Ở ví dụ này, chúng ta sẽ có nút Start, Stop với vai trò ngõ vào và băng chuyền sẽ đóng vai trò là ngõ ra. Băng chuyền sẽ chạy hoặc dừng dựa vào điều khiển bằng nút nhấn. Ngoài ra, nút Start, Stop phải kèm theo đèn báo hiệu để cho chúng ta biết nút nào đang tác động, các đèn báo hiệu này cũng đóng vai trò như là ngõ ra.
Như vậy, trong ví dụ này chúng ta sẽ có tất cả 2 ngõ vào (Input) và 3 ngõ ra (Output). Bây giờ chúng ta hãy cùng bắt đầu lập trình và kết nối mô phỏng nhé.
Bước 1
Đầu tiên, các bạn mở chương trình TIA Portal. Giao diện lập trình sẽ hiện ra để các bạn lập trình logic.
Chúng ta sẽ tạo bảng Symbol để khai báo các ngõ vào ra như trong hình bên dưới.
Bước 2
Tiếp theo, chúng ta sẽ viết một đoạn chương trình nhỏ bằng ngôn ngữ ladder để chạy băng chuyền dựa theo tín hiệu từ nút nhấn Start/Stop:
Bước 3
Bây giờ, đoạn chương trình logic đã viết xong. Chúng ta load chương trình này xuống PLC Sim để chạy. Sau đó, bật PLC Sim sang chế độ Run
Bước 4
Bây giờ, chúng ta sẽ mở chương trình Factory IO để thực hiện mô phỏng.
Bạn có thể tạo mô hình mới hoặc tận dụng các mô hình đã được tạo sẵn trong Factory IO.
Ở đây, vì ví dụ đơn giản nên mình sẽ tạo một mô hình mới.
Bước 5
Ở ví dụ này mình sẽ thực hiện điều khiển băng chuyền. Do đó mình sẽ thiết kế một hệ thống đơn giản như hình bên dưới. Mình tạo một băng chuyền và một hộp điều khiển bao gồm 2 nút Start và Stop phía trên.
Khi nhấn vào nút Start thì băng chuyền sẽ chạy, tương tự như vậy khi nhấn nút Stop thì băng chuyền dừng.
Các bạn lưu ý khi thiết kế mô hình thì các bạn đặt tên cho các ngõ vào/ra dùng để điều khiển tương ứng với tên trong chương trình PLC để dễ nhận biết luôn nhé.
Bước 6
Tiếp theo chúng ta sẽ vào menu File -> Driver để cấu hình kết nối giữa Factory IO và PLC.
Bước 7
Một cửa sổ Driver sẽ hiện ra. Trong này có rất nhiều driver khác nhau tương ứng với các dòng PLC khác nhau.
Trong ví dụ này chúng ta dùng PLC Sim của Siemens. Do đó chúng ta chọn mục Siemens S7-PLCSIM như trong hình.
Bước 8
Một module sẽ hiện ra trên màn hình tượng trung cho PLC của chúng ta. Tuy nhiên module này hiện tại chỉ tượng trưng cho PLC Sim thôi chứ chưa được cấu hình chân IO cũng như loại PLC đang được sử dụng.
Do đó các bạn nhấn vào nút CONFIGURATION phía bên góc phải
Bước 9
Trong cửa sổ cấu hình vừa hiện ra, các bạn nhấn Auto connect để Factory IO tự động kết nối PLC.
Offset là địa chỉ bắt đầu của IO. Còn count là số lượng IO mà mình cần khai báo. Các bạn cài đặt giống như trong hình.
Ở đây mình chọn ngõ vào Input bắt đầu từ 0 và có 16 ngõ tất cả. Ngõ ra mình chọn bắt đầu từ 4 và có 8 ngõ tất cả.
Bước 10
Sau khi cấu hình xong, module PLC đã được rút gọn lại theo số lượng IO mà mình mong muốn. Sau đó, các bạn kéo thả các ngõ vào ra tương ứng ở cột Sensor và Actuator vào các ngõ Input/Output trên PLC mà mình đã lập trình. Kết quả như hình bên dưới.
Bước 11
Sau khi đã gán chân xong, các bạn nhấn nút Connect để Factory IO kết nối với PLC.
Bước 12
Nếu kết nối thành công, các bạn sẽ thấy dấu tick màu xanh ở kế bên ô Driver.
Bước 13
Bây giờ chúng ta sẽ vào TIA Portal để chạy thử chương trình. Sau khi chúng ta nhấn nút test trên mô hình, ngõ ra băng chuyền và đèn Start sẽ được kích hoạt.
Bước 14
Sau đó, chúng ta nhấn nút Stop và băng chuyền sẽ dừng lại. Lúc này đèn trên hộp điều khiển cũng hiển thị trạng thái Stop.
Như vậy là chúng ta đã thực hiện lập trình trên TIA Portal và dùng Factory IO để mô phỏng hệ thống và kiểm tra logic của chương trình PLC. Nếu có gì thắc mắc trong quá trình thực hiện, các bạn hãy comment phía dưới nhé.
Về phần mềm, các bạn có thể download tại link sau:
B7 ạ
Bước 8 mình mở ra Factory io không cho chọn thêm plc là sao ạ
bạn crack chương trình rồi chạy lại xem sao nha